Nếu là người trong giới mộ điệu cải lương tuồng cổ thì chắc hẳn ai cũng biết đến tuồng Câu thơ yên ngựa. Một trong những tuồng ăn khách nhất của đoàn Minh Tơ. Tuồng xoay quanh câu chuyện nội cung triều nhà Lý sau cái chết của Lý Thánh Tông. Thời cuộc đã định, vì có con trai nối dỗi nên Nguyên Phi Ỷ Lan được thay quyền nhiếp chính xưng là Linh Nhân Thái Hậu, cùng với Lý Đạo Thành và Lý Thường Kiệt nắm giữ triều cương. Người còn lại là Thượng Dương Hoàng Hậu, bị gán cho tội bán nước. Để Linh Nhân chê trách rằng: "Đất nước thiêng liêng nào phải của riêng mình, mà rước ngoại bang về toan giày xéo nát tan". Có phải Thượng Dương thực sự đáng trách vì mưu đồ bán nước hay kẻ đang nắm quyền kia muốn trừ hậu hoạn mà không từ thủ đoạn vu khống bà. Không chê trách tác giả biên soạn ra tuồng, nhưng không thể để oan tình cho một người hoàng hậu. Phải chăng sử cũ dựng lên là sử của kẻ thắng thế.
Sau Đại Việt sử ký toàn thư chép: "Giam Hoàng thái hậu họ Dương,... (bởi) Linh Nhân cho mình là mẹ đẻ mà không được dự chính sự, mới kêu với vua rằng: "Mẹ già khó nhọc mới có ngày nay, mà bây giờ phú quý người khác hưởng, thế thì sẽ để mẹ già vào đâu?" Vua bèn sai đem giam Dương thái hậu và 76 người thị nữ vào cung Thượng Dương, rồi bức phải chết chôn theo lăng Thánh Tông... (còn) Thái sư Lý Đạo Thành lấy chức Tả gián nghị đại phu ra coi châu Nghệ An."
Dù sau đó Linh Nhân có ăn năn sám hối về hành động trên nhưng không ít tuồng tích đã đổ tội oan cho Thượng Dương, một người phụ nữ hết lòng chăm lo cho vua con trước khi đăng cơ. Vua vì những lời than oán đầy ích kỷ của sanh mẫu mà đẩy đích mẫu vào lãnh cung và bức tử. Cái chết tội nghiệp của bà cần được thương tưởng hơn là bị bêu rếu bằng một cái chết bằng tam bang triều điển vì tội mãi quốc cầu vinh.
Nhận xét
Đăng nhận xét